Bác sĩ Bệnh viện Tâm thnà tỉnh khám cho người bệnh. |
Gần 2 năm trước, hợp phần cộng đồng của Dự án "Tăng cường năng lực hệ thống y tế về chăm sóc dựa vào cộng đồng để quản lý trầm cảm có hiệu quả tại Thái Nguyên” do tổ chức BasicNeeds Việt Nam tài trợ được khởi động, với 10 xã, phường trên địa bàn T.P Thái Nguyên tham gia. Nhờ sự nỗ lực của các cán bộ tham gia dự án đến nay, Dự án đã có sự lan tỏa trong cộng đồng và đạt được những kết quả tích cực.
Thái Nguyên có hơn 5.000 bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh được quản lý, chăm sóc và điều trị tại cộng đồng. Theo đó, 100% xã, phường trên địa bàn tỉnh đã triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng. Hằng tháng, các bệnh nhân đều được trạm y tế địa phương phát thuốc điều trị bệnh miễn phí. Nhờ đó, nhiều người bệnh vẫn ổn định sức khỏe, tham gia lao động, sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, các bệnh nhân hầu như đều phải phụ thuộc vào thuốc điều trị; không ít bệnh nhân vẫn sống trong tâm trạng âu lo, cảm thấy không có lối thoát…
Từ khi Dự án Tăng cường năng lực hệ thống y tế về chăm sóc dựa vào cộng đồng để quản lý trầm cảm có hiệu quả tại Thái Nguyên được triển khai tại 10 xã, phường của T.P Thái Nguyên, hơn 400 bệnh nhân đã được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý. Theo đó, sức khỏe tâm thần của người bệnh đã có nhiều biến chuyển tích cực hơn.
Bà T.T.V, một bệnh nhân ở phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Khoảng năm 2017, sau một đợt ốm nặng, sức khỏe nhanh chóng “tụt dốc”, tôi rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm. Có những lúc tôi tưởng mình đã chết đi, lúc nào tôi cũng sống trong sợ hãi… Dự án đến với Thịnh Đán đã mang lại ánh sáng cho cuộc đời tôi. Tôi đã từng bước vượt qua trầm cảm. Hiện tại, tôi đã tự lập kế hoạch hàng ngày, ăn uống đủ bữa và tích cực giao tiếp với hàng xóm… Tôi tin rằng những người bị trầm cảm khác cũng sẽ làm được điều tương tự nếu có đủ niềm tin và được điều trị, hỗ trợ tâm lý.
Niềm vui của người bệnh là động lực cho các cán bộ tham gia Dự án cống hiến. Bác sĩ Nuyễn Thị Hường, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên) cho hay: Được trông thấy khuôn mặt phấn khởi của từng người bệnh trong mỗi buổi sinh hoạt, tôi thấy hạnh phúc vô ngần.
Từ thực hiện Dự án có thể thấy, ngoài sử dụng thuốc, việc điều trị cho bệnh nhân tâm thần bằng các liệu pháp tâm lý cũng rất hiệu quả với người bệnh. Bác sĩ CKI Quách Thị Bích Phượng, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ (Bệnh viện Tâm thần tỉnh) - Trưởng nhóm cán bộ trực tiếp thực hiện Dự án nói: Quản lý trầm cảm dựa vào cộng đồng thông qua việc lấy người bệnh làm trung tâm đã mang lại kết quả hết sức khả quan. Theo đó, các ca bệnh nhẹ, trung bình được điều trị theo nhóm sinh hoạt tại trạm y tế, nhà văn hóa hoặc nhà của thành viên nhóm… đã tạo nên một hiệu ứng tích cực, giúp những người cùng hoàn cảnh dần mở lòng và giải tỏa được những lo âu, phiền muộn để rồi họ lại có những năng lượng tích cực và vui sống mỗi ngày.
Còn bác sĩ Nguyễn Tiến Dung, Giám đóc Bệnh viện Tâm thần (Trưởng Ban Quản lý Dự án) thì cho rằng: Điều chúng tôi cảm thấy vui nhất là khi thực hiện Dự án này, người trầm cảm đã dần nhận thức được mình đang mắc bệnh. Họ có nhu cầu đến gặp bác sĩ để giải quyết những vấn đề đó và hợp tác với cán bộ y tế ở địa phương. Đồng thời, cán bộ y tế từ các tuyến rất nhiệt tình với người bệnh, không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn để ngày càng thực hiện nhiệm vụ tốt.
Đến nay, Dự án vẫn đang được thực hiện tại Thái Nguyên và triển khai theo giai đoạn phê duyệt của từng năm. Năm nay, Dự án tiếp tục được mở rộng thêm 5 xã, phường của T.P Thái Nguyên. Hiện, các cán bộ tham gia Dự án đang xây dựng kế hoạch để khám sàng lọc tại những địa phương mở rộng dự án và đưa bệnh nhân vào các nhóm trị liệu… giúp họ gieo lại “hạt giống niềm vui” trong cuộc sống.
Với những kết quả đã đạt được, mong rằng thời gian tới, Tổ chức BasicNeeds sẽ được các cấp chính quyền tại Thái Nguyên vinh danh. Và đây sẽ là động lực để họ tiếp tục hỗ trợ kinh phí, nguồn lực nhân rộng liệu pháp điều trị hiệu quả này tại các địa phương trong tỉnh.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn