Những lớp học vượt qua trầm cảm trong cộng đồng

Thứ sáu - 18/03/2022 08:20
Những lớp học vượt qua trầm cảm trong cộng đồng



Một người phụ nữ sức khỏe sa sút, một người đàn ông khép mình sau khi vợ mất, một người phụ nữ kiên cường chống chọi với ung thư, mỗi người có một nỗi niềm riêng, nhưng hàng tuần lại gặp gỡ, trò chuyện để cùng giúp nhau vượt qua căn bệnh chung mang tên trầm cảm.

Căn bệnh vô hình

Ở tuổi 66, ông Hà Văn Uồng (phường Tân Thịnh, thành phố Thái Nguyên) chưa thực sự được hưởng cái gọi là an yên tuổi già. Sau khi biết vợ mình mắc bệnh hiểm nghèo, ông là người duy nhất luôn sát cánh bên bà trong mọi thời điểm: từ đăng ký bảo hiểm, đưa đi bệnh viện đến làm thủ tục nhập viện, mua thuốc thang chữa bệnh.

Tám tháng ròng, vợ chồng ông Uồng chạy đi chạy lại giữa các bệnh viện ở Hà Nội và Thái Nguyên.

“Tất cả những khó khăn trong cuộc sống của tôi được tạo ra trong thời gian đấy khiến bệnh trầm cảm xuất hiện”, ông Uồng nói.

Kể từ khi bà qua đời, ông Uồng ngày càng trở nên ủ rũ và sống khép kín hơn, việc giao tiếp giữa mọi người xung quanh cũng dần hạn chế.

Dù sống cùng con trai và con dâu, có hai cháu nội quấn quít bên cạnh, nhưng ông Uồng chưa thể vượt qua giai đoạn 8 tháng ròng rã trước đó. Con cái tối đến đều lên trên nhà hết, không còn bà bên cạnh để tâm sự, ông Uồng càng cảm thấy buồn và cô đơn.
 

Bà Đậu Thị Minh Nguyệt (phường Hương Sơn, thành phố Thái Nguyên), giáo viên mầm non về hưu, cũng có hoàn cảnh tương tự ông Uồng: chồng bà Nguyệt mắc bệnh ung thư, gánh nặng kinh tế đổ dồn lên vai người phụ nữ 57 tuổi.

Cách đây khoảng hai năm rưỡi, bà Nguyệt gặp phải những cơn mệt, choáng giữa ban ngày. Có những cơn choáng khiến bà mệt lịm đi, phải bỏ dở lớp để về nhà nghỉ, thậm chí có lần phải đi cấp cứu.

“Da tôi chuyển sang màu vàng. Tôi đi kiểm tra máu, siêu âm gan không thấy vấn đề gì. Tôi lo lắng lắm mà không biết làm thế nào. Không ai phát hiện ra bệnh gì mà chỉ bảo tôi là bị suy nhược cơ thể. Sau đó bác sĩ điều trị cho tôi về tim mạch, vì lúc đấy có lúc tim đập nhanh, lúc thì đập chậm quá. Tôi không ngủ được, không muốn ăn một cái gì. Có khi mất ngủ hai ngày liên tiếp, mỗi ngày 2 viên thuốc ngủ cũng không tác dụng”, bà Nguyệt kể.

May thay, trong một lần gặp bác sĩ, được tư vấn và chẩn đoán mắc chứng lo âu. Từ đó bà Nguyệt tìm hiểu các triệu chứng lo âu trên mạng và đi khám, đơn thuốc an thần giúp bà dần trở lại bình thường.
 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm là 1 trong 4 bệnh gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Đa số các bệnh nhân trầm cảm thường kiệt sức trong mê cung không điểm dừng của sự thống khổ, mệt mỏi và cô đơn. Điều nguy hiểm là căn bệnh này không dễ để phát hiện được qua những biểu hiện bên ngoài. Thời điểm xuất hiện, mức độ và diễn biến bệnh lý cũng khó nhận biết.

Hàng năm, có 800.000 người chết do tự sát, chủ yếu là do trầm cảm nặng. Trầm cảm gây ra nhiều khó khăn, đau buồn đổ vỡ trong các mối quan hệ trong gia đình và xã hội. Đến năm 2030, trầm cảm được dự đoán sẽ trở thành nguyên nhân hàng đầu gây mất khả năng hoạt động trên toàn cầu.

Trầm cảm đặc biệt nguy hại vì nó làm giảm khả năng tập trung, giảm năng suất học tập và lao động, tăng nguy cơ tự sát và nguy cơ tử vong, nhất là khi nó đồng diễn với những bệnh khác.

WHO ước tính khoảng 15 - 20% dân số thế giới sẽ mắc trầm cảm ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, nhưng phổ biến nhất là ở người trẻ. Đáng lo ngại hơn nữa, trầm cảm thường được xem là dấu hiệu của sự yếu đuối hơn là vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, trầm cảm lại rất dễ phát triển thành bệnh mạn tính nếu không được điều trị thành công.

“Khoảng trống” điều trị trầm cảm

Tại Việt Nam, ước tính khoảng 90% số người rối loạn tâm thần chưa được phát hiện, điều trị, trong đó bệnh nhân ở thể vừa và nhẹ chiếm đa số. Tuy nhiên, dịch vụ liên quan đến sức khỏe tâm thần chủ yếu được cung cấp ở tuyến tỉnh, tuyến trung ương, trong khi các tuyến y tế cộng đồng hầu như bị bỏ ngỏ.

Lý do ở chỗ số lượng bác sĩ tâm thần của bệnh viện tâm thần tỉnh có hạn, khó có thể vươn tới hỗ trợ tất cả các trung tâm y tế cơ sở.

Các chuyên gia cho biết việc điều trị tâm thần ở Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu bằng thuốc và mới chỉ tập trung vào hai bệnh nặng là tâm thần phân liệt và động kinh.

Ở Việt Nam, cứ 10 người mắc bệnh thì chỉ có 1 người được phát hiện, điều trị. Tính đến 2020, điều trị tâm thần chủ yếu dùng thuốc, tâm lý trị liệu chưa được thừa nhận và chưa được bảo hiểm y tế chi trả.

TS. BS. Lại Đức Trường, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Việt Nam, cho biết thực tế điều trị tâm thần dựa vào cộng đồng tại Việt Nam đã bắt đầu từ năm 1999, so với quốc tế là khá sớm.

Việt Nam đã xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia về sức khỏe tâm thần, theo mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng. Đến năm 2008 mô hình này đã bao phủ trên toàn 64 tỉnh thành với gần 40% xã/phường của Việt Nam. Mô hình này giúp những người bị tâm thần phân liệt và động kinh được quản lý tại cộng đồng và sự kỳ thị giảm bớt.

“Nhưng các bệnh tâm thần nghiêm trọng khác, đặc biệt là trầm cảm chưa được quản lý trong mô hình. Rối loạn tâm thần không chỉ gồm bệnh tâm thần phân liệt, hay dân gian còn gọi là điên, mà còn nhiều loại bệnh khác nữa. Theo Phân loại bệnh tật quốc tế phiên bản thứ 10 (ICD-10), có khoảng 300 mã bệnh tâm thần, trầm cảm là một trong số đó. Trầm cảm là một vấn đề lớn của y tế công cộng”, bác sĩ Lại Đức Trường chỉ ra.

Trên thực tế là không phải ai bị trầm cảm, lo âu cũng đến bệnh viện. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này: không biết mình bị bệnh, hoặc biết nhưng sợ bị kỳ thị, các bệnh viện chỉ cung cấp dịch vụ điều trị bằng thuốc cho các bệnh nhân nặng. Bản thân người mắc ở mức vừa và nhẹ dù muốn đi điều trị nhưng không có đủ khả năng tiếp cận dịch vụ trị liệu tư vấn.

Số liệu của WHO cũng chỉ ra: khoảng trống trong điều trị trầm cảm trên toàn cầu ước tính là hơn 75%. Trầm cảm đặc biệt nguy hại vì nó làm giảm khả năng tập trung, giảm năng suất học tập và lao động, tăng nguy cơ tự sát và nguy cơ tử vong, nhất là khi nó đồng diễn với những bệnh khác.

Đem bệnh viện đến cộng đồng

Trong năm 2020, tổ chức BasicNeeds Việt Nam đã phối hợp cùng các cơ quan y tế tỉnh Thái Nguyên để tổ chức dự án hướng dẫn trị liệu bệnh nhân mắc chứng lo âu, trầm cảm cho các tuyến y tế cơ sở.

Do hiểu rõ vấn đề nhân lực của hệ thống y tế không đủ để can thiệp trị liệu 1-1, dự án thiết kế mô hình điều trị theo nhóm và triển khai ở 10 trạm y tế xã, phường.

Mỗi trạm có hai cán bộ y tế tham gia, thường thì đó là trạm trưởng và một chuyên trách chương trình tâm thần của trạm. Các cán bộ y tế cơ sở sẽ được dự án trang bị kiến thức và kỹ năng, giúp công việc được diễn ra hiệu quả, lâu dài với cộng đồng.

Thay vì đến bệnh viện tâm thần, bệnh nhân chỉ cần đến trạm y tế xã phường nơi họ đang sinh sống. Nhờ vậy, họ sẽ bớt cảm giác e dè, mặc cảm và giảm nỗi sợ bị kỳ thị về việc điều trị bệnh liên quan đến tâm thần.

Các cộng tác viên được dự án đào tạo sẽ phát hiện những người có nguy cơ cao và mời họ sàng lọc sơ bộ rồi sẽ tiếp tục được cán bộ y tế xác định xem họ có các biểu hiện căn bản của trầm cảm không. Nếu có, họ sẽ được mời tham gia các nhóm trị liệu trầm cảm tại cộng đồng.

Các nhóm trị liệu này có thể được thực hiện tại trạm y tế hoặc nhà văn hóa xã, phường hoặc nhà của một thành viên nhóm. Người bệnh và cán bộ y tế cơ sở thường gọi hoạt động trị liệu nhóm này bằng một cái tên rất gần gũi là “sinh hoạt nhóm’’ hoặc là “lớp học”. Các liệu pháp tâm lý sẽ được thực hiện trong những buổi sinh hoạt nhóm.


 

Việc tổ chức các lớp học trong cộng đồng giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, can thiệp sớm bằng việc tâm lý trị liệu, giúp người bệnh bớt được sự e dè và đặc biệt không cần uống thuốc.

Bà Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Quốc gia của BasicNeeds Việt Nam, cho biết: “Khi tham gia sinh hoạt nhóm, người bệnh sẽ thấy mình không đơn độc trên hành trình chống lại bệnh tật. Họ đang chiến đấu để vượt qua trầm cảm cùng những người khác. Họ tìm thấy sự đồng cảm, chia sẻ cũng như động lực từ câu chuyện của những người cùng nhóm.”

Sau 4 tháng, dự án đã tiếp cận 1.891 người có nguy cơ mắc trầm cảm trong cộng đồng, truyền thông nâng cao nhận thức của họ về sức khỏe tâm thần, từ đó sàng lọc 1.586 người và phát hiện 688 người mắc trầm cảm từ nhẹ đến nặng, những người bệnh nặng sẽ được chuyển cho bác sĩ chuyên khoa tâm thần điều trị, những người bệnh nhẹ đến vừa đồng ý tham gia điều trị tại cộng đồng là 403, đã có 332 người đã hoàn thành điều trị.

Theo số liệu khảo sát của BasicNeeds Việt Nam, tất cả các bệnh nhân tham gia trị liệu cộng đồng đều cải thiện triệu chứng trầm cảm rõ rệt, cụ thể là điểm trầm cảm PHQ-9 giảm từ 12,99 xuống 4,89.

 

Các trò chơi vận động được áp dụng trong buổi sinh hoạt nhóm.

“Hãy suy nghĩ làm thế nào để vượt qua…”

Bà Trần Thị Trường (phường Hương Sơn, thành phố Thái Nguyên) là một trong những thành viên tích cực nhất của lớp học trị liệu trầm cảm.

Được chẩn đoán mắc ung thư giai đoạn 3, bà Trường dần trở nên suy sụp, những buổi xạ trị khiến bà đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, từ đó sinh ra tâm lý buông xuôi.

“Có lần tôi gói hết quần áo rồi đem từ thiện hết, giữ lại mỗi đôi dép. Nhà cửa có đồ đạc nào tôi cho gần hết rồi, kể cả cái quạt. Các con sợ tôi nghĩ quẩn phải chia nhau sang ngủ cùng.”

Cuối tháng 6 năm 2020, bà Trường được mời đi sàng lọc trầm cảm và tham gia sinh hoạt nhóm. Buổi đầu nghĩ “đi thì đi chứ chắc chả ăn thua gì”, bà Trường bỏ dở lớp đi chơi, về nhà đến đêm lại nằm một mình, suy nghĩ liên miên. Nhưng từ buổi thứ ba trở đi, lượng hóa chất phải truyền giảm xuống, bà được nghe chuyện của mọi người và dần cởi mở hơn.

 

Bà Trần Thị Trường (trái) từng có tâm lý buông xuôi, tuyệt vọng khi được chẩn đoán mắc ung thư.

“Tôi được học phải làm gì khi mình đang cảm thấy tiêu cực, rồi là cách sắp xếp thời gian, lên lịch cho một ngày, giờ này uống thuốc, giờ này ăn, giờ này nghỉ ngơi”, bà Trường hào hứng nói. “Kể cả hết 8 buổi trị liệu, tôi vẫn rủ mọi người sang nhà sinh hoạt tiếp, có gì vui thì trao đổi, hoặc là karaoke hay bàn mấy chuyện nữ công gia chánh, mua thêm cái gì về rồi thi nấu ăn nữa.”

Là thành viên nam duy nhất trong lớp học trị liệu của phường Tân Thịnh, ông Uồng dần cởi bỏ tâm lý khép mình và chịu khó lắng nghe mọi người xung quanh.

Các buổi học giúp ông hiểu ra trầm cảm thật sự là gì, những biểu hiện của trầm cảm và cách khắc phục các vấn đề mình đang gặp phải. Kết thúc 8 buổi sinh hoạt, ông phần nào tìm lại được niềm vui trong cuộc sống. Buổi sáng ông dậy tập thể dục, ra vườn tưới mấy luống ngô. Buổi chiều đi đón cháu gái, nấu cơm.

“Trong cuộc sống đừng suy nghĩ liệu mình làm được hay không mà hãy suy nghĩ rằng làm thế nào để vượt qua được việc đó”, đó là ông Uồng thông điệp nhớ nhất sau quá trình trị liệu.

Đối với những bệnh nhân trầm cảm như ông Uồng, bà Nguyệt, bà Trường, phương thuốc hiệu nghiệm nhất chính là cơ hội được trò chuyện, được lắng nghe để mỗi người san sẻ bớt gánh nặng của nhau.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây